Khởi đầu Cởi_Mở

Vào thập niên 1980 khi các biến chuyển chính trị dồn dập diễn ra tại Đông Âu, giới văn nghệ sĩ Việt Nam cũng lên tiếng đặt câu hỏi về dân chủ. Trong khi đó tình hình kinh tế bế tắc đã buộc Hà Nội phải mở cuộc cải cách. Tháng 10 năm 1986 Nguyễn Văn Linh, bấy giờ là Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, kêu gọi nhà văn trong nước hỗ trợ cuộc cải cách kinh tế bằng cách viết về sự thật, song song với thời kỳ Đổi mới đang diễn biến. Danh từ của ông là "cởi trói" tư tưởng.[5][6]

Tháng 12 năm 1986, Bộ Chính trị theo đó thông qua Nghị quyết số 5 do tướng Trần Độ thuộc Ban Văn hóa soạn ra. Nghị quyết đó cho phép tự do sáng tạo. Sách báo được lưu hành dễ dãi hơn nếu không có nội dung phản động. Kết quả là những tác phẩm của văn nghệ sĩ trước kia bị cấm vì lập trường chống cộng sản như Nhất LinhKhái Hưng được tái bản. Ảnh hưởng của perestroika và glastnost ở Liên Xô cũng mở rộng con đường cải cách. Nghị quyết số 05 khẳng định: "Tự do sáng tạo là điều kiện sống còn để tạo nên giá trị đích thực trong văn hóa văn nghệ và để phát triển tài năng...Tác phẩm văn nghệ không vi phạm pháp luật (chống lại dân tộc, chống lại CNXH, phá hoại hòa bình và không đồi trụy (truyền bá tội ác, sự sa đọa, phá hoại nhân phẩm) đều có quyền được lưu hành và đặt dưới sự đánh giá, phán xét của công luận và sự phê bình)". Có thể xem đó là cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa và tinh thần đối thoại trong văn học từ sau 1986 và giai đoạn mười năm cuối thế kỉ. Tinh thần dân chủ hóa và tư duy đối thoại có sự tác động và kích thích mạnh mẽ đời sống văn học và quan trọng hơn làm thay đổi một cách căn bản về tư duy nghệ thuật từ bình diện ý thức, quan niệm cho đến công việc sáng tác và lý giải nghệ thuật[4].

Sang năm 1987, năm nhân vật trong Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm của thập niên 1950 cũng được phục hồi danh dự sau nhiều năm bị cấm hoạt động trong sự nghiệp văn chương.[7] Trong số đó có nhạc sĩ Văn Cao (được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996, một năm sau khi mất), triết gia Trần Đức Thảo...

Bán nguyệt san Văn nghệ, dưới sự điều hành của Tổng biên tập Nguyên Ngọc, lần lượt cho đăng nhiều tác phẩm của những nhà văn trẻ như Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Trần Huy Quang, Phùng Gia LộcLê Lựu. Nhiều tác phẩm như Cái đêm hôm ấy... đêm gì?, "Vua lốp", "Tướng về hưu", "Phẩm tiết" và "Vàng lửa" được cho là có ẩn ý chỉ trích xã hội đều được đại chúng ưa thích.[8]

Trong các tác phẩm tiểu thuyết như Thời xa vắng, Nỗi buồn chiến tranh, Tiểu thuyết Vô đề thì đề tài chiến tranh được ghi nhận theo một quan điểm khác vì nhân vật trong truyện không nhất thiết theo mẫu mực của con người cộng sản lý tưởng khi ra chiến trường.

Tháng 6 năm 1988, giới báo chí gồm Xuân Cang, chủ nhiệm báo Lao động, và tướng Trần Công Mẫn, chủ nhiệm báo Quân đội Nhân dân, gửi thư lên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để xin làm rõ nghĩa về giới hạn thông tin. Đảng Cộng sản sau đó quyết định không bắt báo chí phải xin phép Trung ương để viết về khuyết điểm xã hội nữa. Từ đó các báo Sài Gòn Giải phóng, Tuổi Trẻ, Lao động v.v. thường đăng phóng sự phơi bày những khiếm khuyết mọi mặt trong đời sống. Chính Nguyễn Văn Linh cũng góp bài phê bình và chỉ trích những tham nhũng và trì trệ xã hội dưới bút hiệu "NVL" trên báo Nhân dân.[9][10]

Chiều hướng này đưa đến những sự kiện chưa từng thấy ở Việt Nam như trường hợp vợ của tướng Văn Tiến Dũng bị tố giác buôn lậu. Văn Tiến Dũng sau đó mất ghế trong Bộ Chính trị và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.[11]

Cũng trong thời gian này những đoàn thể tự phát xuất hiện như Câu lạc bộ Những Người Kháng chiến cũThành phố Hồ Chí Minh. Nhóm này quy tụ thành phần cựu chiến binh của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Ngoài mục đích thiện nguyện tổ chức này còn công khai vận động chống tham nhũng, chống lạm quyền, đòi nới rộng tự do và thực thi dân chủ. Hội còn đứng tên in tờ Truyền thống Kháng chiến để phát biểu ý nguyện.[12]

Báo chí, sách vở nở rộ. Tính đến năm 1988 theo Bộ Nội vụ thì chỉ 50% trong số 400 tờ báo trong nước là có giấy phép. Về sách thì 40% tựa sách phát hành năm đó cũng rơi vào diện bất hợp pháp.[13]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cởi_Mở http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi.htm http://www.viet-studies.info/NhaVanDoiMoi/PheBinh_... http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=116... http://www.tienve.org/home/activities/viewTopics.d... http://www.tudotgvn.org/TinTuc/May02/NguyenHo02May... http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p75/c152/n19... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin... http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamh... http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?op...